Dược sĩ Đỗ Xuân Hòa, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhiều người bị khô da, ngứa và mẩn đỏ, thậm chí bong tróc hay đóng vảy sau khi tắm. Những dấu hiệu này cho thấy làn da nhạy cảm, thiếu ẩm hoặc gặp phản ứng kích ứng. Chỉ thoa kem dưỡng ẩm đôi khi chưa đủ để làm dịu da, nhất là người có làn da dễ tổn thương. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây khô, ngứa da.
Nước nóng giúp thư giãn sau khi tắm, nhưng cũng có thể làm mất lớp dầu tự nhiên bảo vệ da. Khi lớp dầu này bị loại bỏ, da dễ mất nước, dẫn đến khô, ngứa và đỏ. Tình trạng này rõ rệt ở người có làn da nhạy cảm hoặc các vấn đề da liễu khác.
Sản phẩm vệ sinh như sữa tắm, dầu gội và chất tẩy rửa có hương thơm thường được ưa chuộng để tạo cảm giác thư giãn khi tắm. Tuy nhiên, theo dược sĩ Hòa, một số loại có hương thơm có thể gây dị ứng, ngứa và kích ứng (với các trường hợp cơ địa cụ thể), được gọi là viêm da tiếp xúc. Sản phẩm giặt có mùi thơm, nhất là khi lưu hương trên khăn tắm, cũng có thể gây kích ứng khi được dùng để lau khô, làm tăng nguy cơ đỏ, ngứa cho làn da nhạy cảm.
Tắm quá lâu, nhất là tắm nước nóng, mang lại cảm giác dễ chịu nhưng có thể hại da. Nước nóng loại bỏ lớp dầu tự nhiên, khiến da khô và ngứa. Thời gian tắm kéo dài làm da dễ bị kích ứng, đặc biệt là ở người có bệnh chàm hoặc vảy nến. Để bảo vệ da, hãy tắm nước ấm và giới hạn thời gian tắm 5-10 phút.
Trước khi tắm nên kiểm tra nhiệt độ nước để tránh làm tổn thương da. Ảnh: Ngọc Phạm
Chà xát mạnh khi tắm có khả năng làm hỏng hàng rào bảo vệ da, dẫn đến khô ráp cho cả mặt lẫn cơ thể. Khăn tắm có thể trở nên thô ráp, mòn theo thời gian, làm tăng nguy cơ tổn thương cho da. Vì vậy, hãy lau khô nhẹ nhàng cũng như thường xuyên thay khăn để bảo vệ làn da tốt hơn.
Không dưỡng ẩm sau khi tắm dễ hại da, dẫn đến khô và nứt nẻ. Sau khi tiếp xúc với nước nóng, độ ẩm và dầu tự nhiên của da bị mất. Các vùng nhạy cảm như mặt, tai, cổ và ngực cần được duy trì độ ẩm để phục hồi và tạo tế bào mới. Không thoa kem dưỡng ẩm làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về da như mụn trứng cá.
Các bệnh lý về da dễ gây ngứa và nổi mẩn đỏ sau khi tắm. Trong đó viêm da tiếp xúc khi da phản ứng với xà phòng, mỹ phẩm hoặc nước nóng. Viêm da cơ địa bùng phát do kích thích từ xà phòng, mồ hôi, thường ở da nhạy cảm, miễn dịch yếu. Mề đay cholinergic là phản ứng da với acetylcholin, gây ra nốt mẩn khi đổ mồ hôi hoặc tắm nóng.
Thời tiết nóng hoặc lạnh cũng ảnh hưởng lớn đến tình trạng da. Không khí nóng và ẩm có thể khiến da khô và kích ứng, dẫn đến các vấn đề như ngứa, phát ban do nhiệt, phát ban do nắng hoặc cháy nắng. Ngược lại, nhiệt độ lạnh và độ ẩm thấp có thể làm cho da mất nước, phát ban với triệu chứng ngứa, mảng sần sùi, nứt nẻ. Những thay đổi này đều khiến làn da nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
Dược sĩ Hòa lưu ý điều chỉnh nhiệt độ nước mát, sử dụng xà phòng dịu nhẹ, thoa kem dưỡng ẩm ngay sau tắm để củng cố hàng rào bảo vệ da. Chườm nước lạnh giúp làm dịu da kích ứng. Lau khô da nhẹ nhàng thay vì chà xát. Uống nhiều nước và thay lưỡi dao cạo thường xuyên cũng rất quan trọng.
Ưu tiên sử dụng thực phẩm giàu vitamin C, E, collagen như trái cây tươi và rau xanh giúp da sáng, săn chắc hơn. Bổ sung tinh chất thiên nhiên như P.leucotomos (chiết xuất cây dương xỉ), Sakura (chiết xuất hoa anh đào), Pomegranate (chiết xuất lựu đỏ), l-glutathione... giúp chống lại các tác nhân gây lão hóa, hỗ trợ giảm melanin tối màu, nhờ đó da săn chắc, khỏe và mịn màng hơn.
Đình Diệu
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp