"Ngày càng khó kiếm công việc phù hợp và có thu nhập tốt tại thành phố nên nhiều người chuyển sang các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai. Quê tôi, thấy bạn trẻ về rất đông.
TP HCM giờ chỉ phù hợp với lao động chất lượng cao, lương từ 20 triệu đồng trở lên, có cơ hội thăng tiến.
Người lao động bây giờ đã suy nghĩ khác, làm công nhân, tăng ca nhiều mà lương trên dưới 10 triệu đồng. Làm đến năm 40 tuổi dễ bị đào thải, dư chẳng bao nhiêu tiền tích lũy.
Hằng tháng, chi phí nhà trọ hết 1,5-2 triệu đồng, làm nhiều về già đủ bệnh, mang tiếng làm ở thành phố nhưng không dư bao nhiêu, ăn Tết xong lại muốn sạch túi.
Đến tuổi 40, cha mẹ ở quê đã già, cần người chăm sóc, trong khi vẫn ở trọ... Vậy nên, nếu làm ở thành phố khoảng 10 năm mà thấy không ổn thì nên về quê sớm để ổn định cuộc sống.
Tôi trụ ở thành phố cũng gần 15 năm, mua được nhà, có phòng trọ cho thuê nhưng nuôi hai con ăn học đã thấy đuối, huống hồ lao động phổ thông. Mỗi khi Tết về quê cả nhà tiêu gần 50 triệu, mà về quê cũng không dám tiêu pha nhiều.
Tôi thấy người ở quê có cuộc sống ổn định và sung túc hơn. Nói chung, với mức lương 20 triệu đồng mà phải nuôi con cái ở Sài Gòn bây giờ thì chất lượng cuộc sống vẫn thua ở quê tôi - một vùng quê Bình Định".
Độc giả nickname donggoran chia sẻ nhận định như trên, cho rằng nhiều lao động đã cân nhắc việc rời Sài Gòn trở về quê làm việc. Bình luận này được viết sau bài TP HCM 'hụt hơi' khi người nhập cư rời đi.
Bài viết nhận được nhiều thảo luận của độc giả VnExpress.
Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2023, các lý do khiến người dân nơi khác muốn đến TP HCM sinh sống là cơ hội việc làm (chiếm 35,1%), đoàn tụ gia đình (35,4%).
Trong khi đó, nhiều tiêu chí khác lại kém xa các địa phương cùng dẫn đầu, ví dụ dịch vụ công xếp sau Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ; phong cách sống cũng bị đánh giá thấp hơn Đà Nẵng, Cần Thơ; môi trường tự nhiên cũng thua Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ.
Độc giả dangki.vcu: "Ngày xưa, hiếm có nhà máy giày da, may mặc... là những công ty cần lượng lao động phổ thông lớn nhất. Các công ty này chủ yếu tập trung ở các khu công nghiệp ở thành phố lớn như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Người lao động từ các tỉnh phải đổ về đây, vì ở quê chủ yếu làm nông nghiệp, chân lấm tay bùn, thu nhập thấp.
Nay, hầu khắp các tỉnh, thậm chí nhiều huyện xa cũng có các nhà máy may mặc, giày da mở ra nên lực lượng lao động này không còn cần rời quê lên thành phố nữa.
Dù mức lương ở thành phố vẫn cao hơn, nhưng chênh lệch đó không đủ bù đắp chi phí sinh hoạt, học tập cho con cái ở thành phố. Ở quê tôi bây giờ không còn câu "không học thì đi Nam" nữa, mà hoặc ở lại làm ăn, hoặc đi xuất khẩu lao động luôn, vì đã xa quê thì XKLĐ mang lại thu nhập lớn hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, ngoài lý do thu nhập, người lao động rời thành phố còn đến từ sự thay đổi trong lựa chọn nghề nghiệp của thế hệ trẻ, độc giả nickname ketoan.tri9x nói:
"Như Hà Nội hay TP HCM, giờ giá nhà quá cao, cũng chẳng có nhà ở xã hội cho thuê rẻ. Chi phí thuê nhà chiếm gần hết thu nhập của người lao động rồi. Thu nhập 10 triệu mà thuê mất 2 triệu đồng, tỷ lệ 20% là quá cao.
Đó là chưa kể phòng trọ 2 triệu đồng thường chưa tốt, lại còn xa xôi cách trở. Vậy nên, trừ khi có nhà sẵn, người lao động giờ phải tìm cách cắt giảm mọi chi phí. Đa số sẽ chọn:
- Xuất khẩu lao động để tận dụng sự chênh lệch mức sống, vì ở đâu cũng cực thì đi nước ngoài làm để dư dả hơn. Ai giỏi còn mang theo ngôn ngữ trôi chảy khi về nước.
- Làm việc từ xa, giới trẻ có thực lực sẽ tìm đến các công ty cho phép làm việc remote, không cần đến văn phòng nữa.
- Làm việc tại quê nhà, vì giờ ở quê cũng không ít việc như xưa, chỉ có điều lương không cao".
Một chuyên gia cho rằng hàng chục năm qua, TP HCM thu hút lao động di cư theo cách tự nhiên, tức để xã hội tự điều tiết. Tuy nhiên, giờ đây các tỉnh thành đều tìm cách giữ chân lao động, các khu công nghiệp mọc lên, khoa học kỹ thuật, tiền lương tiệm cận thành phố.
Trong bối cảnh mới, thành phố cần tính toán thu hút có chọn lọc, tức mong muốn ai sẽ đến thành phố và thành phố mang đến cho họ điều tốt đẹp gì về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục mà tỉnh, thành khác không có được.
Đồng quan điểm, độc giả sanlin0405 cho rằng: "Hiện tượng này là thách thức và cơ hội để TP HCM chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Các ngành nghề đòi hỏi lao động trình độ phổ thông nên, cần và bắt buộc dời ra các tỉnh lân cận để dành chỗ cho các ngành yêu cầu trình độ và chuyên môn cao hơn.
Những ngành này sẽ tạo ra giá trị thặng dư cao hơn cho người dân và thành phố, đảm bảo cuộc sống ổn định và tạo nền tảng phát triển bền vững. Doanh nghiệp hay thành phố khó có thể hỗ trợ người lao động một cách lâu dài, vì nguồn lực có hạn và cần phải cạnh tranh để phát triển".
*Quan điểm của bạn thế nào?
Chia sẻ bài viết về địa chỉ email:[email protected] hoặc ấn vào box bên dưới.
Hữu Nghị tổng hợp