Bé gái uống nước nóng bị bỏng họng

13/01/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Trẻ Em Các Bệnh Nhi - Sơ Sinh Sức Khỏe
Bé gái uống nước nóng bị bỏng họng

Mẹ bé cho biết vừa pha cà phê nóng để trên bàn, bé vớ lấy ly uống "nhanh không kịp ngăn cản". Bác sĩ một bệnh viện khám, kê thuốc bôi ngoài da hướng dẫn người nhà theo dõi sức khỏe bé. 6 ngày sau bé sốt, khó ăn uống, vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra.

Ngày 25/11, BS.CKI Nguyễn Thanh Sơn Vũ, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết vùng hầu họng của bé có nhiều mảng trắng, còn gọi là giả mạc. Vết bỏng không vệ sinh kỹ nên nhiễm nấm. Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, bổ sung dinh dưỡng, bôi thuốc trị bỏng. Sau ba ngày, bé hết sốt, có thể ăn uống, vết bỏng liền da nên về nhà theo dõi.

Theo BS.CKI Nguyễn Thanh Sơn Vũ, bỏng vùng hầu họng có khả năng ảnh hưởng đến thực quản, để lại sẹo hẹp. Người nhà được hướng dẫn cho bé ăn món lỏng, dễ tiêu, tái khám theo lịch hẹn và nếu có dấu hiệu khó nuốt cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện ngay để được nong thực quản.

Nguyên tắc chữa bỏng ở trẻ là phải làm lành lớp niêm mạc, phòng ngừa nhiễm trùng, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng trong thời gian điều trị. Trẻ bị bỏng môi, mặt, bàn tay, bàn chân, vùng kín... phải nhập viện xử lý sớm vết bỏng tránh ảnh hưởng đến ăn uống, vệ sinh, nguy cơ sẹo xấu. Bé bị bỏng ở vùng thực quản cần những biện pháp can thiệp y tế sâu.

Bác sĩ Vũ khuyên phụ huynh nên để nước nóng xa tầm tay trẻ; không để hóa chất trong các chai lọ, cốc uống nước bởi dễ gây nhầm lẫn. Khi trẻ bỏng, sơ cứu bằng cách mở vòi nước chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15-20 phút, sau đó che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch. Bé bị bỏng ở miệng, cổ họng, có thể bị sưng phế quản, ngạt thở. Cần nhanh chóng nới lỏng quần áo quanh cổ trẻ, gọi cấp cứu. Tuyệt đối không dùng nước đá, nước mắm, kem đánh răng, nước muối dưa cà... để đắp lên vết bỏng.

"Sơ cứu không đúng cách dễ gây nhiễm khuẩn, bỏng nặng thêm", bác sĩ Vũ nói, thêm rằng cần sơ cứu nhẹ nhàng, tránh trẻ bị sốc, gây loét vết thương.

Đình Lâm

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật